- Dân gian có câu “bình cũ rượu mới”, còn đây là loại phim “bình cũ mà rượu cũng hết hạn”.
- Nhớ đem theo hũ muối vào rạp để tự nêm nếm cho hợp khẩu vị.
- Có lẽ khi Thượng Đế ban phát muối cho các phim hoạt hình trên thế gian thì ê-kíp sản xuất của Duck Duck Goose đã giương ô...
Rắc bao nhiêu cho đủ...?
Duck Duck Goose (tựa Việt: Ngỗng Vịt Phiêu Lưu Ký) xoay quanh cuộc hành trình của chú ngỗng Peng kiêu ngạo cùng hai chú vịt con lạc bầy là Chao và Chi. Cả ba trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ trên chuyến di cư đến vùng đất mới. Đây là phim hợp tác sản xuất giữa Mỹ và Trung Quốc nên đừng ngạc nhiên vì sao từ poster đến tạo hình nhân vật đều trông Tây thế mà vào phim lại thấy chình ình logo “ông lớn” Wanda Pictures của Trung Hoa đại lục, ý tưởng lại còn dựa trên trò chơi dân gian của trẻ con phương Tây...
Nhưng dù bộ phim có do nước nào sản xuất đi chăng nữa thì sự nhạt nhẽo của nó vẫn bền bỉ kéo dài từ đầu đến cuối phim như Vạn Lý Trường Thành.
Thà xem mấy nhóc này diễn trò...
Cái nhạt đầu tiên là tư duy kể chuyện xưa như Trái Đất. Cốt truyện không mấy đột phá thì có thể tha thứ được, vì đa số phim hoạt hình hiện giờ đều như vậy cả. Thế nhưng hệ thống nhân vật trong Duck Duck Goose lại rất “điển hình” cho dòng phim về động vật, chẳng hạn: rùa luôn thông thái, lợn luôn béo ục ịch và lờ đờ, ngỗng/vịt luôn bô bô cái mồm, mèo thì luôn gian xảo, ranh ma,...
Dường như chỉ trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, các nhà làm phim trên thế giới đã đem mọi loài động vật từ gia cầm, côn trùng, thú nuôi trong nhà đến động vật hoang dã lên màn bạc, bí quá thì chế thêm những sinh vật chỉ có trong trí tưởng tượng như Minions (ấy thế mà thu về bạc tỉ). Thế nên người viết rất không hiểu tại sao Wanda Pictures vẫn can đảm đầu tư bạc triệu để đưa hai loài vật phổ thông như vịt với ngỗng làm diễn viên chính trong phim, đã thế còn toàn diễn viên vô danh tiểu tốt (mời tài tử vịt Donald đóng thì may ra, mỗi tội cát-xê chắc đắt).
Những bộ phim gần đây như Zootopia, Paddington, Peter Rabbit,...đều cho thấy động vật trong hoạt hình đã “tiến hóa” đến giai đoạn biết xây dựng đô thị, có tiếng nói riêng và bắt đầu chung sống hòa bình ngang hàng với con người. Vả lại những hãng phim đứng đằng sau các tựa phim trên cũng tỏ ra rất thông minh khi chọn chuyển thể những nhân vật đã thành biểu tượng văn hóa (như Paddington, Peter Rabbit) còn không thì họ cũng biết cách lăng-xê bằng cách chăm chút cá tính, trang phục rất riêng để chúng trở thành siêu sao (như Zootopia).
Đặt cạnh những bộ phim đó, Duck Duck Goose chẳng khác nào “bước lùi” đẩy động vật trở lại với thời tiền sử mông muội, nhất là khi các chú ngỗng trong phim dòm na ná nhau đã đành mà lại chẳng có lấy một mảnh vải che thân. Là người bảo vệ quyền động vật, mình rất bức xúc vì tư duy “đồ đá” của ê-kíp làm phim.
Các biến cố xảy ra trong phim thuộc loại đỉnh cao của cliché, luôn làm bạn cảm thấy chờn chợn như thể đã xem cảnh này ở đâu đó rồi. Người ta thường "vớt vát" những phim motif cũ bằng câu "bình cũ rượu mới", nhưng Duck Duck Goose lại là trường hợp bình cũ mà rượu cũng hết hạn luôn.
Cái nhạt kế tiếp là do nhân vật nói quá nhiều, nói vô duyên nói không ngưng nghỉ nói dai nói dở. Những màn đối thoại trong phim hầu hết đều dư thừa, vô bổ và sáo rỗng, chỉ có một vấn đề nhỏ thôi nhưng được các nhân vật tán ra thành cả bài diễn thuyết. Ngay màn dạo đầu, bộ phim đã "dằn mặt" người xem với màn lảm nhảm dài gần 3-4 phút của chú vịt Peng, toàn bộ chỉ xoay quanh việc nên tổ chức đội hình bay theo chữ V hay chữ W (?!).
Thoại nhiều chỉ hợp với những thể loại phim nghiêm túc như sử thi, chính kịch, triết luận, còn khi đưa vào hoạt hình sẽ trở thành thảm họa ngay. Những trò đùa trong phim cũng vì thế mà trở nên kém duyên đi, thậm chí lố lăng chỉ vì nhân vật nói nhiều quá. Người lớn xem còn được, chứ trẻ em hẳn không thể trụ nổi qua nửa tiếng đầu tiên. Cũng may xem bản thuyết minh, chứ xem phụ đề chắc phải căng mắt đọc mệt nghỉ. Nhưng nhờ phim này mà người viết mới hiểu sâu sắc hơn lí do loài vịt bị dân gian nói xấu "Hai người đàn bà và một con vịt thành cái chợ".
Thế nhưng "vật cực tắc phản", đôi lúc phim nhạt quá lại khiến người ta phải bật cười, nhưng là cười ruồi, cười vì tiếc tiền...
Phần âm nhạc cũng không cứu vớt được bao nhiêu, làm phim vốn đã dở lại còn kinh khủng thêm. Mấy bài hát vô cùng lạc quẻ, lúc vui thì nhạc Tây có lời, lúc buồn thì nhạc Tàu không lời. Mỗi lần nhạc phát là một lần khán giả hoang mang vì không biết có bật nhầm soundtrack của một phim nào kiểu High School Musical không...
Điểm sáng duy nhất lại nằm ở phần hình ảnh - một điều rất bất ngờ vì trước giờ người viết vốn có ấn tượng không tốt với kỹ xảo trong phim Trung Quốc. Dường như xuyên suốt 90 phút thời lượng, bộ phim chỉ tập trung phô diễn kỹ thuật dựng cảnh là nhiều. Từng chiếc lá vàng trong khu rừng đều được làm tỉ mỉ.
Nhìn chung, Duck Duck Goose là bộ phim thích hợp để bạn vào rạp làm một giấc ngon lành, hoặc nếu bạn là dân học về kỹ xảo hoạt hình thì có thể ngồi ngắm cảnh trí để tham khảo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét