Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

[Review] Cô Ba Sài Gòn: Khi ‘Nobita’ phiên bản nữ xuyên không và làm trợ lý cho Meryl Streep

Bà con Nam Kỳ Lục Tỉnh về đây, ghé qua hiệu may Thanh Nữ mà coi Cô Ba Sài Gòn. Tiệm đang có chương trình khuyến mại đặc biệt, coi một tặng hẳn hai. Combo bao gồm: xem chiếu bóng Cô Ba Sài Gòn sẽ được tặng vé đi tuổi thơ xem truyện tranh Đô-rê-mon và tham quan show thời trang quốc tế năm 2006 của The Devil Wears Prada (Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu). Đúng là ở xứ này, cái gì cũng có thể xảy ra.
Bông đùa là thế, chuyện phim bắt đầu từ hồi Sài Gòn năm 60 – 70, Nobita, à nhầm Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) trong một lần nghịch bảo bối của mèo máy Doreamon, à lại nhầm - bảo bối gia truyền của hiệu may Thanh Nữ, đã xuyên không đến thế giới tương lai mấy chục năm sau. Tại đây, nàng Như Ý xinh đẹp mỹ miều lại bắt gặp bản thân mình sau này trong một bộ dạng không thể chán chường hơn (Hồng Vân đóng).
Từ một hot girl dáng nuột như siêu mẫu cho đến một bà phì nộn nghiện rượu chè, ăn mặc bê tha, đúng là thời gian làm hao mòn nhan sắc con người thật. Tại đây, Như Ý biết được chính cô là kẻ đã làm sụp đổ hiệu may gia truyền Thanh Nữ.
Bộ phim dành cho những ai thân thương cất tiếng gọi Sài Gòn
Còn nhớ hồi đầu năm nay, khi nghe Ngô Thanh Vân tự tin tuyên bố làm phim về áo dài xưa, về hơi thở thời đại đã qua, giới mộ điệu một phen nháo nhào lẫn... lo lắng: liệu “cô ba Trà Vinh” có đang ôm quá sức không? Mà nhìn lại, cô ba này từng làm Ngày Xửa Ngày Xưa kiểu thần tiên, Tấm Cám kiểu cổ tích thần thoại. Ở mỗi phim có lặp lại mình bao giờ. Hẳn lần này cũng phải ghé một tai, kê một mắt mà xem phim ra thế nào đã.
May mắn thay, bối cảnh ở năm 1960 lại quá ổn. Do kinh phí giới hạn, giấc mơ hoa về hòn ngọc Viễn Đôngnức tiếng một thời chỉ diễn ra trong 1/3 thời lượng đầu phim với vai trò mở đầu, tạo xung đột trong câu chuyện. Dù ít nhưng những gì phục dựng lại khá tốt và đem lại cảm giác chỉn chu.
Khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được một Sài Gòn xưa thanh bình, mơ màng với đầy áo dài dập dìu thanh bình trên phố, đường xá còn thông thoáng ít xe cộ. Nhưng một Sài Gòn phồn hoa đô hội – nơi tập trung những mốt tân thời nhất bấy giờ hay sự choáng ngợp từ những quán bar, vũ trường sang trọng. Khá khen nhất ở đoạn này chính là màu sắc xưa cũ, những cú cắt, chuyển cảnh khéo léo và hấp dẫn khiến sự quay cuồng, xung khắc giữa giá trị truyền thống và vòng xoáy thời đại càng rõ nét.
Một bộ phim mà những ai yêu thời trang, yêu cái đẹp hay làm việc trong ngành sáng tạo phải xem
Kể từ cú đại thắng của Âm Mưu Giày Gót Nhọn hồi 2013, mãi 4 năm sau, khán giả mới được xem một bộ phim khác về đề tài thời trang. Nhưng khác với Âm Mưu Giày Gót Nhọn vẫn dừng ở một phim chick-flick mượn đề tài thời trang để nói chuyện yêu đương của con người thành thị, Cô Ba Sài Gòn xác định mục tiêu của mình là dạng phim đào sâu vào nghề nghiệp và phải khai khác nó thật hấp dẫn, khiến người xem mê mệt tà áo dài lúc nào không hay.
Bên cạnh đó, các tín đồ tiện ảnh hẳn sẽ nhận ra tác phẩm có một sự học hỏi lớn từ Devil Wear Prada khi Diễm My chính là phiên bản trẻ hơn của bà trùm quyền lực Miranda Priestly (Meryl Streep thủ vai) hay hành trình bứt phá của Như Ý cũng giống như cách nàng Andrea Sachs (Anne Hathaway) bước chân vào thế giới thời trang.
Còn với những ai trót yêu thời trang, còn gì tuyệt hơn việc nghe những thương hiệu mình yêu quý được phát âm chuẩn xác, nghe một núi kiến thức về các nhà mốt hàng đầu thế giới hay những bài thuyết trình đầy say mê khi đã hoàn thiện mỗi bộ sưu tập. Phim cũng hàm chứa một thông điệp khá dễ thương về sáng tạo mà có lẽ 123Phim sẽ không nói ra vì mất hay, thay vào đó những ai đang đọc bài viết này hãy đi xem để cảm nhận rõ rệt.
Đáng khen và đáng tiếc nuối trong câu chuyện
Rút kinh nghiệm từ Tấm Cám: Chuyện Chưa KểCô Ba Sài Gòn giản lược đi rất nhiều tình tiết mà đáng lẽ ra có thể khai thác kỹ hơn. Tuy nhiên việc giản lược quá đà, quyết tập trung vào câu chuyện trưởng thành của nhân vật Như Ý lại khiến một số tuyến còn tiềm năng như mối quan hệ giữa Như Ý và Tuấn (ST) lại bị tối giản hết mức. Chân dung nhân vật Helen của Diễm My được khắc họa rất xuất sắc khi diễn xuất của nàng “gái già lắm chiêu” năm nào có tiến bộ hẳn hòi, hình tượng nhân vật cũng phù hợp, nhưng hóa ra, Helen chỉ là bước cản nhẹ nhàng để hành trình giành lại hiệu may gia truyền của Như Ý có một chút kịch tính. Sao mọi chuyện lại quá suôn sẻ đến thế? 1, 2, 3, 5, Cô Ba ơi, đánh rơi đoạn cao trào rồi. 
Cũng may là chúng ta còn có diễn xuất đầy thú vị của Ninh Dương Lan Ngọc kéo lại. Một cô ba kiểu cách và “nửa mùa” hiện lên thật đáng ghét nhưng cũng thật đáng phục khi dám hạ cái Tôi kiêu hãnh để chuyên tâm phục hưng hiệu may Thanh Nữ. Ơn giời, cuối cùng Ngọc cũng thoát mớ vai dở đến mức che mặt trong mấy phim gần đây.
Xuất hiện và tung hứng với vai Như Ý của Ninh Dương Lan Ngọc chính là An Khánh của Hồng Vân. Những khung hình mà hai “cô ba” cùng xuất hiện với những kiểu cách y xì một khuôn vô cùng thú vị, đúng kiểu đã là đệ nhất thanh lịch Sài Gòn một thời thì dù có tàn rạc, nghèo nàn vẫn kiểu cách ngút ngàn. Chỉ tiếc nuối một điều, nhân vật này ban đầu rất thú vị, nhưng về sau lại càng “lép vế” khi để một con ranh vắt mũi chưa sạch chửi sa sả mà chỉ đổ thừa hết lần này đến lần khác là: “nếu mày học may áo dài thì tao đâu ra nông nỗi này”. Thật vậy, nếu nhân vật An Khánh được mạnh tay chấm phá bằng vài câu thoại xéo xắc hơn nữa hay “tay đôi” cùng Như Ý, chắc chắn ấn tượng đọng lại sẽ còn đậm đà hơn rất nhiều.
Công bằng mà nói, Cô Ba Sài Gòn xứng đáng nằm trong top những phim hay nhất của điện ảnh Việt trong năm nay. Mặc dù bên cạnh những băn khoăn về nội dung như trên còn có vài chỗ bận lòng như trang phục của Như Ý đang cổ điển hài hòa lại “xọt dưa” kiểu tóc thẳng thức thời, S.T vào phim chỉ để trang trí (đáng ra nên cast “thầy giáo mưa” Mai Tài Phến) thì Cô Ba Sài Gòn khá thú vị để xem. Chắc chắn phim sẽ là một đối trọng mạnh mẽ với Mẹ Chồng – một tác phẩm Việt đáng kỳ vọng khác sẽ ra mắt vào đầu tháng 12 sắp tới.
Cô Ba Sài Gòn được chiếu ở định dạng 2D.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét