Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Từ Marvel cho đến DC: Khi phim siêu anh hùng đang ngày càng giống nhau

Hiện nay, phim siêu anh hùng (cùng với dòng phim kinh dị) đang là một trong hai thể loại hiếm hoi có thể tạo ra cơn sốt phòng vé cho Hollywood. Nhưng phải chăng, chúng ta đang trả tiền chỉ để xem những bộ phim y hệt nhau?
Năm 2012, có hai bộ phim live-action về nàng Bạch Tuyết lần lượt ra mắt khán giả. Đó là Mirror Mirror (Lily Collins, Julia Robert, Armie Hammer) do Relativity Media sản xuất và Snow White and the Hunstman(Kristen Sterwat, Chris Hemsworth, Charlize Theron) được Universal thực hiện. Một biểu tượng Bạch Tuyết với hai phong cách thể hiện khác biệt nhau, một bên thì hài hước và tươi sáng, còn bên kia thì u tối và nặng nề.
Hai nàng Bạch Tuyết, hai phong cách khác nhau cho một câu chuyện cổ tích.
Dù không được đánh giá cao về nội dung, nhưng Mirror Mirror lẫn Snow White and the Hunstman đều thu về số tiền gấp đôi số vốn đã bỏ ra. Khán giả không ngại ngần đi xem nhiều phiên bản khác nhau về nàng công chúa từng một thời là tuổi thơ. Và với các thần tượng siêu anh hùng, chuyện cũng không phải là ngoại lệ.
Những câu chuyện “bình mới , rượu cũ”
Năm 2017, Wonder Woman ra mắt và đạt được nhiều thành công vang dội. Bộ phim siêu anh hùngđầu tiên có nhân vật chính là nữ đã nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ giới phê bình với 92 điểm Rotten Tomatoes, cũng như thu về 821 triệu USD. Một thành công vượt ngoài kỳ vọng của người hâm mộ các vị anh hùng truyện tranh DC nói riêng và khán giả đại chúng nói chung.
Nhưng sau phút choáng ngợp ban đầu, nhiều người  chợt nhận ra sự giống nhau tới lạ kỳ giữa Wonder Woman với một phim siêu anh hùng khác của đối thủ Marvel – Captain America. Cùng mô típ về nhân vật chính mang nhiều lí tưởng, bị “vỡ mộng” trước thực tế khắc nghiệt, nếm trải hương vị tình yêu và trưởng thành hơn sau những bi thương… Tuy xuất thân và nguồn gốc  sức mạnh là khác nhau, nhưng hai nhân vật chính Diana và Steve Rogers đều trải qua những biến cố tương đồng, là người hùng nhưng đồng thời cũng là bi kịch của chiến tranh.
Không chỉ có các anh hùng, chuyện về những gã tội phạm “bất đắc dĩ” phải làm người tốt cũng có những nét tương đồng tới kì lạ. Biệt đội “lưu manh dải Ngân hà” Guardians of the Galaxy do Marvel sản xuất, ra mắt vào năm 2014 đưa khán giả đến với cuộc phiêu lưu ngập tràn màu sắc, những trò quậy phá tưng bừng của những kẻ ngoài vòng pháp luật. Và đến năm 2016, chúng ta có một phiên bản tương tự với biệt đội ác nhân Suicide Squad nhưng lần này là do DC/Warner Bros thực hiện.
Guardians of the Galaxy vs Suicide Squad.
Không chỉ “na ná” nhau về phong cách hình ảnh màu mè, rực rỡ, gu âm nhạc bắt tai, cả Suicide Squad hay Guardians of the Galaxy đều là câu chuyện về những gã ô hợp bị ép tham gia một nhiệm vụ tự sát. Những cá tính khác nhau, những gã xấu xa nhất bị dồn vào đường để rồi trở thành những kẻ cứu thế. Đó là chưa kể vào cuối phim, biệt đội nào cũng (tình cờ) có một người tự nguyện hy sinh để tạo ra động lực, kết nối các thành viên khác.
Khi mọi siêu anh hùng đang dần trở nên giống nhau
Trong Batman vs Superman: Dawn of Justice, khán giả được chứng kiến sự đối đầu giữa hai siêu anh hùng lớn Batman và Superman. Họ bất đồng rồi lại hòa giải để chung tay chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Nhìn sang bên phía đối thủ, chuyện nội bộ trong các anh hùng nhà Marvel cũng không khác nhau lắm. Cột trụ trong nhóm Avengers cũng xoay quanh mối quan hệ đầy thăng trầm giữa Iron Man và Captain America. Một bên là những kẻ giàu có với lý tưởng anh hùng thực dụng, còn một bên là những nhà lãnh đạo luôn trung thành với lí tưởng và chuẩn mực đạo đức.
Ảnh 5: Những người đàn ông gánh vác hai vũ trụ siêu anh hùng.
Dĩ nhiên, sự tương đồng giữa các siêu anh hùng nhà DC và Marvel là một câu chuyện có bề dày lịch sử, xuất phát từ nguồn cội sâu sa khi họ được các họa sỹ sáng tạo trong truyện tranh. Nhưng trong thời điểm phim siêu anh hùng “thống trị” khắp mọi mặt trận phòng vé, để “phù phép” cho những cốt truyện cũ rich, người ta cần chọn hướng đi  và phong cách làm phim khác biệt với đối thủ.
Nhận thức được nguồn cội “sinh sau đẻ muộn”, Marvel đã chọn cách giới thiệu riêng từng anh hùng với loạt phim về Thor, Iron Man và Captain America… trước khi gom họ vào một thương hiệu chung Avengers. DC Comics với ưu thế về các siêu anh hùng có tuổi đời lâu hơn, với danh tiếng đã trở thành biểu tượng như Batman, Superman, Wonder Woman. Và họ chọn cách tập hợp tất cả lại trong một phim chung như Batman vs Superman rồi Justice League trước khi đào sâu hơn về câu chuyện của mỗi thành viên.
Đội Justice League (2017) sẽ khác biệt với nhóm Avengers?
Về phong cách, Marvel chọn tươi sáng, hài hước còn DC lại thiên về tăm tối, gửi gắm nhiều tầng ý nghĩa sâu sa. Nhưng sự khác biệt hiếm hoi này liệu có còn được duy trì? Khi Wonder Woman tuy tạo được thành công nhưng cũng bị nhận xét là có nét “vui vẻ, tươi sáng” theo công thức na ná Marvel. Ngoài ra, trong trailer mới nhất của Justice League - bộ phim quan trọng nhất của DC trong năm 2017 và sẽ ra rạp trong 2 tuần nữa, nhiều khán giả cũng kịp nhận ra vài nét mới mẻ tới từ… Marvel.
Vì vài lí do cá nhân, “vị thuyền trưởng” của DCEU là Zach Snyder đã rời dự án Justice League khi phim vẫn chưa kịp hoàn thiện. Tiếp quản vị trí mà Zack để lại chính là Joss Whedon – công thần một thời của Marvel với The Avengers (2012). Trong đoạn trailer mới, sự nguy hiểm của kẻ phản diện hay sự đen tối của thế giới hậu Superman vẫn làm người xem rung mình lo lắng. Nhưng tông màu phim cũng đã trở nên sáng hơn, các siêu anh hùng cũng đã biết cách… trêu đùa nhau như những gì mà đồng nghiệp Marvel của họ vẫn thường làm. Vẫn còn quá sớm để nhận xét về phim, nhưng dấu ấn của Joss Whedon - người từng làm việc cho Marvel lẫn DC hẳn sẽ tạo ra một sự giao thoa nào đó.
Hướng đi nào cho các phim siêu anh hùng đến từ các hãng khác?
Công thức làm phim siêu anh hùng của Marvel khiến nhiều khán giả thích mê nhưng cũng nhận phải không ít chê bai. Hầu như bộ phim anh hùng nào của hãng cũng ngập tràn những trò đùa, những màn chọc cười nay đã trở thành thương hiệu. Siêu anh hùng giờ đây phải bao gồm chuyện giải cứu thế giới và làm khán giả bật cười.
Năm 2016, Deadpool ra mắt và phá vỡ khuôn mẫu quen thuộc về một siêu anh hùng. Một kẻ kiêu căng, tự phụ và luôn nghĩ ra đủ trò láu cá. Năm 2017, Marvel cũng kịp cải tiến, nâng cấp tiếng cười của mình lên một mức độ mới với Thor: Ragnarok. Thần Sấm Thor giờ đây cũng chẳng khác gì một gã Deadpool tinh nghịch, quái chiêu. Trên đỉnh vinh quang, Marvel vẫn không ngừng cải thiện công thức của họ. Nhưng yếu tố hài hước vẫn sẽ luôn giữ vị trí trọng tâm. DC cũng đang có những bước đi tương tự, thêm hài, thêm vui.
‘Thor: Ragnarok’ là đỉnh cao mới trong phong cách siêu anh hùng hài hước, màu mè của Marvel
Nhưng dòng phim siêu anh hùng vẫn có thể thay đổi, với sự cạnh tranh từ những đối thủ khác yếu thế hơn. 20th Century Fox đã đem đến cho chúng ta một Logan khác biệt, một phim siêu anh hùng mang đậm chất viễn tây và một câu chuyện có chiều sâu tâm lí. Hay trong trailer của loạt phim về New Muntant, chúng ta được úp mở về một tác phẩm ngập tràn không khí kinh dị - một phong cách mới mẻ dành cho câu chuyện về các dị nhân. Loạt phim mới của Sony về các nhân vật như Venom, Black Cat và Silver Sable cũng là những hướng đi mới cho thể loại phim anh hùng.
‘Logan’ là dấu ấn khác biệt nhất trong các phim siêu anh hùng từ năm 2010 tới nay.
Trong sự thống trị của hai gã khổng lồ Marvel và DC, các hãng phim còn lại, nếu muốn san sẻ chút lợi nhuận từ miếng bánh béo bở này, thì không còn cách nào khác là phải đào sâu hơn về khía cạnh u tối, đáng sợ của các siêu anh hùng. Nhờ có sự cạnh tranh này, siêu anh hùng mới không bị biến thành những trò cười đại chúng.
New Muntant’ sẽ là phim siêu anh hùng kinh dị?
Và trong tương lai không xa, biết đâu dòng phim này sẽ trở thành “vỏ bọc lớn” cho rất nhiều thể loại khác nhau, từ hài hước, tâm lí, kinh dị cho đến lãng mạn?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét